Tình hình ma túy Tam giác Vàng

Những năm 1970-1990, diện tích cây thuốc phiện đến 160.000 ha với số lượng thuốc phiện mỗi vụ đã qua sơ chế 2.560 tấn, bằng 3/4 số lượng thuốc phiện thế giới (khí hậu ôn đới trên độ cao hơn 1000 m và chất đất ở đây rất thích hợp với cây thuốc phiện). Đến nay, diện tích trồng cây thuốc phiện trên đất Lào, Thái Lan giảm, còn không đáng kể. Trên đất Myanmar, diện tích cũng giảm nhiều nhưng do rừng sâu, núi thẳm, vô cùng hiểm trở, nơi sinh sống của nhiều bộ tộc người Wa, Shan, Mông… mặc dù Chính phủ Myanmar đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa kiểm soát cơ bản việc trồng và chế biến thuốc phiện.

Theo UNODC (văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm) ước tính trong năm 2005 có 430 km2 đất trồng thuốc phiện ở Myanmar [1]. Sự đầu hàng của Khun Sa vào tháng 1 năm 1996 được Yangon coi như một thành tựu chống ma túy lớn, nhưng thiếu tâm huyết và sự nhanh nhẹn để loại bỏ các nhóm buôn lậu và phân phối các loại thuốc bất hợp pháp lớn và thiếu cam kết nghiêm túc chống rửa tiền vẫn tiếp tục cản trở các nỗ lực chống ma túy tổng thể. Hầu hết các bộ lạc trồng cây thuốc phiện ở Myanmar và ở các vùng cao Thái đang sống dưới mức nghèo khổ.

Myanmar đã thay thế Thái Lan trở thành "công xưởng vàng đen" ở Tam giác vàng và là nơi sản xuất ma túy lớn thứ 2 trên thế giới sau Afghanistan. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 4, diện tích trồng cây anh túc ở vùng Tam giác Vàng cao nhất là vào năm 1998 với 130.000 ha, đến năm 2006 thì giảm xuống còn 20.000 ha. Thế nhưng, anh túc lại bùng phát trở lại trong mấy năm nay khi diện tích trồng loại cây "ma quái" này tăng gấp đôi vào năm 2010 và chỉ 2 năm sau đã lên đến 50.000 ha, chiếm 29% diện tích trồng anh túc của thế giới. Trên 90% diện tích trồng cây anh túc ở khu vực Tam giác Vàng được xác định ở bang Shan, miền đông Myanmar, tiếp giáp Thái Lan và Lào. Từ đây, nhựa cây anh túc được chuyển đến bang Kachin, gần Trung QuốcẤn Độ, để chế biến thành đủ loại ma túy khác nhau và tung ra thị trường. Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, 610 tấn trong tổng số 638 tấn heroin của Tam giác vàng năm 2011 có nguồn gốc từ Myanmar (25 tấn từ Lào, 3 tấn từ Thái Lan). Một năm sau, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 690/735 tấn heroin, trị giá khoảng 16,3 tỉ USD tức hơn 1/3 GDP của Myanmar.

Ngoài các băng nhóm tội phạm, nền "công nghiệp ma túy" Tam giác Vàng còn do các nhóm vũ trang và lực lượng phiến quân kiểm soát. Hoạt động trồng anh túc và chế biến ma túy tại các bang đông và đông bắc Myanmar gần như hoàn toàn nằm trong tay những nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đang chiến đấu đòi ly khai. Trong số này, mạnh nhất là Lực lượng thống nhất bang Wa (UWSA). UWSA đơn phương tuyên bố tự trị ở bang Wa hồi năm 2009 và xem mua bán ma túy là phương pháp chính để kiếm tiền phát triển lực lượng cũng như kiểm soát người dân. Quân đội của chính phủ cũng như lực lượng phòng chống ma túy thường khó tiếp cận các khu vực núi non hiểm trở luôn hiện diện họng súng của phiến quân.

Không chỉ sản xuất và buôn bán ma túy, các nhóm tội phạm ở Tam giác Vàng còn nhúng tay vào cướp bóc, tống tiền, giết người… Hồi tháng 3 năm 2013, Trung Quốc đã tử hình trùm ma túy người Myanmar Naw Kham vì vụ thảm sát 13 thủy thủ người Trung Quốc hồi năm 2011. Naw Kham và đồng bọn đã chặn cướp 2 tàu hàng Trung Quốc trên sông Mê Kông rồi xử bắn toàn bộ người trên tàu và vứt thi thể xuống một đoạn sông chảy qua tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan[2]. Theo giới chức các nước, đã xảy ra hàng chục vụ tương tự từ khi Trung Quốc đẩy mạnh giao thương biên giới với Myanmar, Lào và Thái Lan qua đường thủy trên sông Mê Kông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rất lo ngại làn sóng ma túy mới từ Tam giác vàng tràn vào thông qua đường thủy và đường bộ.

Bên cạnh đó, tham nhũng liên quan đến ma túy trong chính quyền và quân đội cũng như các chương trình hỗ trợ người dân từ bỏ cây anh túc chưa đạt hiệu quả cao cũng khiến việc kiểm soát ma túy tại Myanmar gặp nhiều khó khăn.Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Thein Sein rất tích cực đối thoại với các nhóm vũ trang ly khai nhằm tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và theo các chuyên gia, hòa bình, ổn định là điều kiện đầu tiên để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân và đưa các khu vực nằm trong Tam giác Vàng khỏi vòng xoáy ma túy [3].